THUỐC KHÔNG PHẢI NƯỚC NGỌT GIẢI KHÁT !

1 Bình luận

Một dạng thuốc đang dùng khá nhiều hiện nay là viên thuốc sủi bọt, còn gọi tắt là viên sủi. Đây là dạng thuốc hấp dẫn vì thuốc được cung cấp ở dạng viên nén nhưng khi sử dụng viên thuốc sẽ được thả vào ly nước để sủi bọt mạnh, khí thoát ra làm cho viên tan vỡ, thuốc hòa tan trong nước hoàn toàn tạo thành dung dịch dễ uống. Gọi là hấp dẫn vì khi sử dụng thực chất là dạng lỏng có mùi vị thơm ngon ngọt cứ trông như nước giải khát. Đối với trẻ con rất khó uống thuốc viên nhưng sẽ dễ dàng uống thuốc sủi bọt. Dạng thuốc sủi bọt thường được dùng bào chế thuốc giảm đau hạ nhiệt trị cảm cúm hoặc thuốc bổ cung cấp vitamin và khoáng chất. Đối với thuốc giảm đau hạ nhiệt chứa dược chất paracetamol nhờ dùng dạng thuốc sủi bọt không chỉ làm cho dễ uống mà còn giúp cho tác dụng giảm đau hạ nhiệt nhanh hơn (thuốc dạng viên nén, viên nang cho tác dụng chậm vì đòi hỏi thời gian làm tan rã viên và tạo quá trình phóng thích, hấp thu dược chất). Thuốc nhờ dạng sủi bọt cho tác dụng nhanh hơn và không có nghĩa công hiệu hơn, tức cho tác dụng cũng tương đương so với dạng thuốc viên khác. Các thuốc cung cấp các loại vitamin và khoáng chất nhờ dùng dạng thuốc sủi bọt có màu sắc đẹp, mùi vị thơm ngon ngọt làm người uống cảm thấy sảng khoái cứ tưởng như dùng nước giải khát có gas giúp tăng lực một cách ngon lành. Tuy nhiên, khi dùng dạng thuốc sủi bọt phải có sự thận trọng đúng mực chứ không vì dạng thuốc hấp dẫn, dễ dùng muốn dùng sao cũng được, dùng tùy tiện vẫn có thể bị tai biến do chính đặc điểm của dạng thuốc. Trước hết, chính cơ chế sủi bọt của dạng thuốc là điều phải cân nhắc, phải lưu ý một số người không được dùng dạng thuốc này. Khác với nước giải khát có gas (như Coca Cola) khi mở nắp chai có sủi bọt là do khí CO, đã được nạp sẵn trong nước ngọt thoát ra. Còn ở thuốc sủi bọt, sự sủi bọt là do phản ứng hóa học. Bất cứ thuốc sủi bọt nào cũng chứa tá dược rã sinh khí bao gồm chất kiềm (natri bicarbonat hay natri carbonat) và acid hữu cơ (acid citric hay acid tartric). Khi bỏ viên sủi vào nước sẽ xảy ra phản ứng giữa chất kiềm và acid tạo ra khí CO, gây sủi bọt làm tan rã viên tạo thành dung dịch thuốc. Như vậy, bất cứ thuốc Sủi bọt nào cũng chứa natri (do chứa natri bicarbonat hoặc natri carbonat, 1 viên sủi thường chứa từ 270 đến 460mg natri). Và Vì vậy, có một số người không được dùng thuốc sủi bọt. Đó là những người bắt buột phải kiêng muối, không được ăn mặn, như người bị bệnh tăng huyết áp chẳng hạn. Thực chất của kiêng muối chính là kiêng natri (muối ăn là natri clorid). Nếu người đã bị tăng huyết áp mặc dù đang điều trị mà ăn nhiều muối hoặc dùng chất có nhiều natri thì huyết áp sẽ tăng vọt. Đã xảy ra khá nhiều trường hợp người cao tuổi đã có sẵn bệnh tăng huyết áp đang điều trị bất ngờ bị cảm nên uống thuốc trị cảm kèm theo uống thuốc vitamin, tất cả đều là dạng sủi bọt, bị tăng huyết áp quá mức đến độ phải được cấp cứu ở bệnh viện.
Có một loại thuốc giảm đau dạng sủi bọt phải hết sức lưu ý tránh dùng bừa bãi vì có thể gây nghiện, đó là thuốc kết hợp paracetamol và codein (biệt dược Efferalgan-codeine). Riêng codein là thuốc giảm đau có nguồn gốc thuốc phiện, có tác dụng giảm đau rất tốt lại thêm có tác dụng nhanh nhờ dạng thuốc sủi bọt, làm cho một số người lạm dụng, dùng lâu ngày sinh ra nghiện như nghiện ma túy. Có một số thuốc sủi bọt trị khó tiêu đầy bụng nhưng người bị yếu dạ dày hoặc có tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng phải tuyệt đối tránh dùng, đó là Alka-seltzer. Biết rằng người yếu dạ dày thường bị khó tiêu đầy bụng nhưng nếu uống thuốc Alkaseltzer, tai hại thay thuốc này lại chứa aspirin, sẽ bị tổn hại niêm mạc dạ dày đưa đến xuấthuyết tiêu hóa như chơi. Đối với thuốc cung cấp vitamin và khoáng chất dùng dạng sủi bọt, ta nên lưu ý đến thuốc chứa duy nhất vitamin C như đã đề cập ở bài Đôi điều về vitamin C. Điều cần phải nhắc lại là những người bị tăng huyết áp tuyệt đối không dùng dạng thuốc dạng sủi bọt nói chung. Khi bị cảm cúm có thể dùng paracetamol, hoặc tăng cường sức khỏe có thể dùng vitamin và khoáng chất, nhưng tất cả phải là dạng viên thông thường. Đừng nghĩ: “thuốc dùng như nước ngọt giải khát không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc” để tha hồ dùng dạng thuốc sủi bọt mà lợi bất cập hại. Sau cùng, nếu dùng được thuốc dạng sủi bọt nên lưu ý về cách bảo quản của dạng thuốc này. Đó là lưu giữ thuốc ở nơi khô ráo, tránh để thuốc ở nơi ẩm ướt (như nhà tắm). Bởi vì thuốc dễ hút ẩm, nếu viên bị hơi ẩm xâm nhập, phản ứng hóa học xảy ra thuốc không còn sủi bọt khi dùng và nhất là hơi ẩm làm hại tác dụng của dược chất. Thuốc được chứa trong ống có nắp đậy, nhớ đậy nút kỹ sau mỗi lần lấy viên thuốc ra hầu giữ thuốc còn lại trong môi trường thật kín để không hỏng thuốc.

Unknown

Some say he’s half man half fish, others say he’s more of a seventy/thirty split. Either way he’s a fishy bastard.

1 comment: