TRẺ NGHI NGỜ BỊ BỆNH CẦN CÂN NHẮC KỸ VIỆC CHỦNG NGỪA

0 Bình luận

Mới đây, một trẻ ở Quảng Trị sau khi tiêm vaccine Quinvaxem và uống vaccine ngừa bại liệt đã bị tử vong và được xác định là do viêm phổi. Sư kiện này đòi hỏi giới chuyên môn đảm nhận chủng ngừa cần đề cao cảnh giác trẻ có nguy cơ bị bệnh nhưng lại được cho dùng vaccine.
Vaccine chủng ngừa là những chế phẩm sinh học (dùng mầm bệnh chết, sống hay một phần mầm bệnh) được dùng đưa vào cơ thể nhằm tạo ra những kháng thể đặc hiệu để khi nhiễm mầm bệnh thật, cơ thể có kháng thể sẽ chống trả và tiêu diệt được mầm bệnh. Thí dụ, chích ngừa viêm gan B là cách thức tiêm vào cơ thể để đưa một phần của con siêu vi B là vỏ bên ngoài của nó (còn gọi là kháng nguyên HBsAg) vào trong cơ thể, phần vỏ này không có khả năng gây bệnh mà chỉ kích thích cơ thể sinh ra các kháng thể để khi cơ thể bị nhiễm siêu vi B thật sẽ chống lại và tiêu diệt siêu vi B thật. Đa số các vaccine dùng hiện nay là để phòng bệnh, và cho đến nay chủng ngừa vẫn được xem là cách phòng bệnh hữu hiệu. Như vậy, nguyên tắc chủng ngừa là trẻ được cho tiếp xúc với mầm bệnh để cơ thể được rèn luyện chống lại bệnh. Để có tác dụng phòng bệnh hiệu quả và an toàn, việc sử dụng vaccine phải tuân thủ nhiều điều. Trong đó, cơ thể trẻ phải khỏe mạnh để đón nhận vaccine và không được dùng một số thuốc khác chữa bệnh sau khi được dùng vaccine chủng ngừa. Tức không được gây tương tác vaccine với bệnh và thuốc với vaccine. Riêng tương tác thuốc với vaccine là hiện tượng xảy ra khi sử dụng đồng thời thuốc nào đó khi đã được chủng ngừa, thuốc này làm thay đổi tác dụng hay độc tính của vaccine đưa đến hậu quả rất bất lợi đối với cơ thể người được chủng ngừa.
Vì lý do nêu trên mà có Chống chỉ định tức không chủng ngừa ở các đối tượng: bị dị ứng, sốt, phụ nữ có thai, cho con bú, lao, tiểu đường, giảm miễn dịch... Đặc biệt, đối với trẻ, tuyệt đối không chủng ngừa khi đang bị bệnh. Vìmột phần tình trạng bệnh bị ảnh hưởng nặng thêm do vaccine và phần khác, thuốc được dùng trị bệnh sẽ gây hại cho vaccine. Nếu trẻ bị bệnh mà phải sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch là glucocorticoid (thường gọi tắt corticoid) có thể không có sự đáp ứng miễn dịch đầy đủ đối với vaccine (tức Vaccine Sẽ không tác dụng). Thậm chí, không dùng vaccine Virus sởi sống ít nhất 3 tháng hoặc lâu hơn đối với trẻ phải dùng thuốc corticoid toàn thân trong 2 tuần. Còn dùng vaccine ngừa cúm thì phải tránh dùng các thuốc: theophyllin, phenytoin, warfarin, aminopyrin vì các thuốc sau sẽ tăng độc tính hại trẻ.
Để tránh trẻ đã bị bệnh mà lại được chủng ngừa, các bậc phụ huynh nên lưu ý các điều sau:
Khi đưa trẻ đi chủng hoặc tiêm ngừa, các bậc phụ huynh nên đọc kỹ hướng dẫn và “Quy định về tiêm chủng” tại các điểm chủng ngừa. Phụ huynh nên đối chiếu các điểm trong quy định này với việc thực hiện chủng ngừa của cán bộ y tế. Chỉ cho con em mình tiêm khi thấy cán bộ y tế thực hiện đúng “Quy định về tiêm chủng”. Các bậc phụ huynh cũng nên yêu cầu cán bộ y tế thông báo rõ chủng loại, hạn dùng của vaccine và hướng dẫn theo dõi trẻ sau tiêm.
Đặc biệt, phụ huynh cần báo cho cán bộ y tế rõ tình trạng sức khỏe của trẻ như trẻ bị sốt, nghi ngờ đang bị bệnh, sinh non, tiền sử dị ứng thuốc (đặc biệt là các thuốc tiêm ngừa) và các bệnh lý mà trẻ đã mắc trước đây... Đặc biệt sau khi tiêm vaccine, cha mẹ cần theo dõi trẻ ít nhất 30 phút ngay tại cơ sở tiêm ngừa, nếu thắc mắc gì thì hỏi ngay cán bộ y tế để được hướng dẫn cụ thể và sau đó theo dõi trẻ sát sao tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng, nếu có điều kiện nên theo dõi thêm 48-72 giờ.
 Đối với cán bộ y tế, luôn luôn đề cao trách nhiệm, thực hiện đúng “Quy định về tiêm chủng”. Đặc biệt, tầm soát thật kỹ xem trẻ có bị bệnh hay không trước khi quyết định chủng ngừa.
Có thể nói vaccine là một thành tựu rất to lớn của trí tuệ con người. Nhờ có vaccine mà con người đã thanh toán một số bệnh hiểm nghèo như đậu mùa, bại liệt..., giảm mạnh số mắc và số chết do các bệnh nhiễm trùng trên toàn cầu. Dù có thể gây ra các tai biến nhưng cho đến nay vaccine vẫn được xem là biện pháp hiệu quả phòng bệnh trong cộng đồng, bảo vệ trẻ không mắc các bệnh truyền nhiễm. Vì sức khỏe trẻ thơ, các bậc phụ huynh nên tiếp tục cho con em mình chủng ngừa các vaccine theo tiêm chủng mở rộng của ngành y tế đề ra.

Unknown

Some say he’s half man half fish, others say he’s more of a seventy/thirty split. Either way he’s a fishy bastard.

0 comments: